17 C
Vietnam
Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Cuối tuần làm 5 món này chẳng cần nấu thêm nhiều thứ cả nhà vẫn mê mẩn ăn

Có Thể Bạn Quan Tâm

Cuối tuần có nhiều thời gian, các bạn hãy thử nấu những món này cho cả nhà thưởng thức nhé, đảm bảo ai cũng khen tới tấp.

1. MIẾN NGAN

Nguyên liệu nấu miến ngan:

– 1 con ngan.

– Miến (200g) (nếu thích bạn cũng có thể thay bằng bún).

– Măng khô (200g).

– Nấm hương 5-7 cái.

– Hành lá, mùi tàu.

– Gừng, hành tím.

– Chanh, tỏi, ớt.

– Gia vị: nước mắm, tiêu, muối, hạt nêm.

Cách nấu miến ngan

– Ngan mua về chà xát với hỗn hợp rượu trắng và gừng rồi rửa lại với nước sạch, dùng dao chặt rời đầu, cánh, cổ để ninh nước và phần thân luộc để nấu bún.

– Cho ngan vào nồi rồi luộc trong 30-40 phút với 1.5 lít nước, 2 thìa bột canh, 1 củ gừng đập dập và 1 củ tỏi và 2 củ hành tím trên lửa nhỏ.

– Luộc ngan xong thì vớt ngan ngâm vào 1 bát tô nước đá lạnh 15 phút.

– Sau đó, lấy ra lọc thịt để thái lát, phần xương cho vào nồi ninh cùng cổ cánh ngan.

– Măng cho ngâm với nước vo gạo 1 ngày. Luộc măng đổ nước 2-3 lần rồi sạch để ráo.

– Cho chảo lên bếp, phi thơm hành, cho măng vào xào nhanh, nêm chút nước mắm, muối sao cho vừa ăn. Đổ măng vào nồi nước luộc ngan, đun sôi thì hạ nhỏ lửa, ninh 20 phút.

– Hành lá, mùi tàu nhặt rửa sạch, thái nhỏ. Ớt thái lát, tỏi băm nhuyễn.

Thưởng thức

– Miến/bún chần với nước sôi cho chín và mềm, đổ vào bát, xếp thịt ngan, hành lá, mùi tàu, ớt, tỏi lên và chan nước dùng.

Miến ngan có mùi thơm hấp dẫn, thịt ngan mềm ngọt, sợi miến dai hòa quyện với nước dùng ngọt ngon đậm đà, măng khô mềm và giòn nhẹ, rất thích hợp trong thời tiết se lạnh đầu đông.

Cuối tuần làm 5 món này chẳng cần nấu thêm nhiều thứ cả nhà vẫn mê mẩn ăn - 1

2. CƠM TẤM SƯỜN NƯỚNG

Làm sườn nướng

Các ướp sườn:

– Chọn sườn non/ sườn cọng hay sườn cốt lết đều được.

– Chọn sườn nên có chút mỡ sẽ không bị khô khi nướng.

– Chọn sườn có màu hồng nhạt, ấn vào thịt đàn hồi, mềm mại, mặt khô không bị chảy nước.

– Cần sử dụng mỡ lợn hoặc mỡ gà để ướp và quét sườn khi nướng.

– Sườn cần thời gian ướp trên 8 tiếng để ngấm gia vị và cần nướng hai lửa để sườn chín đều, có màu đẹp.

– Trong quá trình nướng cần quét nước xốt lên mặt sườn nhiều lần để giữ sườn không bị khô.

– Sườn nên để tảng/ cục/ miếng to khi nướng, nướng xong mới cắt thì sườn không bị ra nước ngọt trong thịt.

Nguyên liệu làm sườn nướng:

– 1 kg sườn cọng/ sườn cốt lết.

– 4 củ sả giã lấy nước cốt.

– 2 củ hành tím giã lấy nước cốt hoặc 1 thìa cơm bột hành.

– 2 củ tỏi giã lấy nước cốt hoặc 1 thìa cơm bột tỏi.

– 2 thìa cơm dầu hào.

– 2 thìa cơm nước xốt ướp thịt xá xíu hoặc 1 thìa cơm bột ướp xá xíu Thái Lan.

– 2 thìa cơm rượu nấu ăn/ rượu gạo.

– 2 thìa cơm sữa đặc.

– 2 thìa cơm mỡ gà hoặc mỡ lợn (cho đầu hành lá vào phi thơm lấy dầu hành ướp sẽ thơm hơn).

– 3 thìa cơm nước mắm.

– 1 thìa cơm nước tương.

– 1/2 thìa ớt băm nhuyễn.

– 1 lon soda hoặc coca.

– 1 thìa cơm baking soda.

– Hỗn hợp quét sườn: 2 thìa cơm dầu hành + 1 thìa xốt xá xíu + 2 thìa cơm mật mía/ mật ong + 2 thìa cơm nước.

Cách làm:

– Sườn bóp rượu và muối cho sạch mùi hôi. Rửa lại rồi thấm khô. Rắc chút baking soda lên 2 mặt sườn, để 15 phút rồi rửa lại, để ráo nước, cho sườn vào âu và đổ soda hoặc coca vào ướp 1 tiếng. Sau đó lấy sườn ra rửa sạch rồi thấm khô. Cần thấm thật khô để sườn ngấm gia vị và không bị hôi.

– Ướp sườn với hỗn hợp gia vị: nước ép tỏi, sả, hành, nước mắm, nước tương, dầu hào, xốt xá xíu, sữa đặc, rượu trắng, dầu hành, ớt băm. Đeo bao tay rồi bóp cho sườn thấm kỹ và đều gia vị, cuối cùng cho sườn vào túi zip, thêm 2 miếng chanh thái mỏng vào, để ngăn mát qua đêm.

– Tiến hành nướng sườn: – Nếu dùng nồi chiên không dầu hoặc lò nướng, chỉnh 200-220 độ xếp sườn vào khay nướng trong 7 phút đầu. Trước khi nướng, quét dầu hành. Tiếp đó, lấy sườn ra, quét lại nước xốt ướp sườn đều hai mặt sườn, để sườn nghỉ 15 phút. Sau đó chuyển về 160 độ, quét hỗn hợp quét mặt sườn, 7 phút sau trở mặt và quét tiếp hỗn hợp này. Lặp lại 2 lần nữa, tổng thời gian nướng là khoảng 30 phút. Sườn chín mềm, bên trong không đỏ là được.

– Nếu nướng than chú ý nướng liu riu, lật đều 2 mặt sườn và quét hỗn hợp quét mặt sườn liên tục để sườn có màu đẹp.

Làm chả trứng

Chả trứng đúng trong cơm tấm Sài Gòn sẽ không quá nhiều mộc nhĩ, trứng sẽ nhiều hơn nhân nên miếng chả có màu trắng hơi ngả vàng, phân tách hai màu rõ ràng giữa lớp dưới và lớp lòng đỏ ở trên.

Nguyên liệu làm chả trứng

– 200g thịt băm (chọn loại nửa nạc nửa mỡ để chả không bị khô và băm sẽ ngon hơn).

– 3 nấm mèo (mộc nhĩ)

– 80g nhỏ bún tàu/ miến khô ngâm nở

– 1 củ hành tím.

– 4-5 đầu hành lá.

– 1/2 củ cà rốt nhỏ (không thích không cần cho vào).

– 6 quả trứng gà hoặc 5 quả trứng vịt + 2 lòng trắng trứng, 2 lòng đỏ quét mặt.

– 1 quả ớt hiểm.

– 1 thìa cà phê gia vị/ bột canh.

– 1 thìa cà phê mì chính.

– 1 thìa cà phê hạt tiêu.

– 2 thìa cà phê nước mắm.

– 1 thìa cơm dầu ăn.

Cách làm:

– Hành tím, đầu hành băm nhỏ. Ớt thái nhỏ.

– Mộc nhĩ, miến ngâm nước ấm cho nở rồi vắt khô, thái nhỏ.

– Trộn thịt xay, mộc nhĩ, miến, hành tím, đầu hành với hạt tiêu, nước mắm, mì chính, gia vị, dầu ăn. Cho trứng đánh tan vào trộn đều.

– Quét dầu ăn vào khuôn, đổ hỗn hợp trứng vào, bọc giấy bạc rồi đem hấp cách thuỷ trong 20 – 25 phút. Sau đó xiên thử tăm thấy tăm khô là chả đã chín. Quét lòng đỏ lên đều mặt chả, cho ớt lên trên, hấp tiếp 5 phút. Muốn màu chả đẹp hơn có thể quét ít dầu màu điều lên mặt chả và hấp thêm 1-2 phút nữa.

– Sau đó tách lấy chả khỏi khuôn, đợi nguội bớt rồi cắt miếng vừa ăn.

Cách làm dưa góp

Nguyên liệu:

– 1 củ cà rốt nhỏ

– 1 khúc củ cải trắng

Cách làm:

– Cà rốt, củ cải gọt vỏ, bào sợi, xóc với muối cho mềm và ra hết nước rồi rửa lại nước lạnh, vắt khô.

– Sau đó pha với nước ấm : giấm : đường theo tỷ lệ 1 : 1 : 1/2. Cho cà rốt, củ cải vào hũ kín, đổ nước giấm chua ngọt vào ngâm trước 1-2 tiếng.

Cách pha nước mắm ngon

Nguyên liệu:

– 100g đường cát vàng hoặc đường thốt nốt

– 50g đường phèn

– 150ml nước (hoặc nước dừa tươi)

– 150ml nước mắm đạm cao

– 1/2 thìa cà phê muối

– 60ml nước cốt chanh

– 2 củ tỏi

– 10-12 quả ớt hiểm

Cách làm:

– Cho vào nồi 150ml nước lọc, 100g đường cát vàng, 50g đường phèn, nấu đếu khi sôi, đường sánh lại thì cho nước mắm vào, nấu thêm 10 phút trên lửa nhỏ. Không cần khuấy, để đường tự tan.

– Tiếp đó cho muối vào, nấu tiếp 5 phút nữa, tắt bếp, để mắm nguội.

– Tỏi, ớt băm hoặc xay nhuyễn. Chanh vắt lấy nước cốt.

– Sau khi nước mắm nguội, cho nước cốt chanh vào, nêm nếm lại cho vừa vị chua sau đó thêm tỏi ớt vào, khuấy cho tỏi ớt hoà với nước mắm.

– Rót phần nước mắm tỏi ớt này vào chai. Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.

Cách làm bì heo trộn thính

– Nếu bạn không mua được bì heo khô ở nước ngoài thì có thể dùng miến Hàn Quốc, luộc cho mềm, vắt khô và trộn với thính cùng ít thịt chân giò/ thịt ba chỉ luộc thái sợi sẽ rất giống bì heo thật.

– Cách làm thính gạo: 300g gạo nếp, 200g gạo tẻ, trộn đều rồi ngâm qua đêm, vo lại rồi xóc cho ráo nước. Để gạo khô rồi đem rang ở lửa nhỏ nhất cho đến khi gạo hơi vàng, thơm là được. Cuối cùng đợi nguội, cho vào máy sinh tố, xay nhuyễn và bảo quản trong hộp kín.

Nấu cơm tấm

– Cách nấu: Vo nhẹ gạo theo vòng tròn, ngâm với nước cho chút muối trước 1 tiếng rồi để ráo. Bọc gạo vào một chiếc khăn xô, cho vào vài lá nếp/ lá dứa tươi cho thơm rồi hấp cách thuỷ trong xửng. Hấp đến khi gạo nở xốp, dẻo thơm trong khoảng 50 phút.

(Đối với các bạn ở nước ngoài, nếu không có gạo tấm, có thể sử dụng gạo Jasmine của Thái, cho gạo vào ngâm nước đá, để ngăn mát tủ lạnh 4 tiếng cho gạo mềm rồi xả dưới vòi nhẹ là gạo vỡ hạt. Đối với các bạn ở Nhật, có thể hỏi mua ở các hàng gạo hoặc đặt trên amazon hoặc rakuten đều có với giá rẻ, gạo saimai nấu cũng rất ngon như cơm tấm ở Việt Nam).

Cách làm mỡ hành

– 100g mỡ gáy hoặc ba chỉ nhiều mỡ phi lấy mỡ, tóp mỡ giòn để riêng ăn kèm với cơm tấm.

– 50g hành lá thái nhỏ.

– Bắc chảo đun sôi mỡ rồi đổ vào phần hành thái nhỏ, cho phần tóp mỡ vào đảo đều.

THƯỞNG THỨC

Khi ăn, cho cơm lên đĩa, rưới mỡ hành lên. Xếp chả trứng, sườn nướng, bì thính và dưa góp bên cạnh. Bạn có thể thưởng thức với món canh tùy thích.

Cuối tuần làm 5 món này chẳng cần nấu thêm nhiều thứ cả nhà vẫn mê mẩn ăn - 2

3. XÔI XÁ XÍU

Nguyên liệu:

Phần thịt xá xíu:

– Thịt ba chỉ hoặc thịt vai đầu giòn

– Nước sốt thịt nướng

– Gói ướp xá xíu Thái Lan

– Ngũ vị hương

– Hành, tỏi băm

– Mật ong

– Dầu hào

– Xì dầu

– Đường, hạt nêm, tiêu

Lưu ý: Gia vị có thể tự điều chỉnh theo khẩu vị của bản thân.

Sốt ăn kèm: 

– Một ít thịt xay, 3 muỗng dầu hào + 4 muỗng xì dầu + 2 muỗng đường + 2 muỗng giấm nấu cho sôi sền sệt lại là được.

Phần xôi:

– Gạo nếp ngon

Ăn kèm: Ruốc thịt, hành khô phi thơm, giò tai, lạp xưởng… tùy sở thích.

Cách làm:

Bước 1: Ướp thịt

– Thịt rửa sạch, dùng khăn giấy thấm khô nước.

– Trộn đều các gia vị phần làm thịt xá xíu vào với nhau. Sau đổ sốt ướp lên thịt, xoa bóp miếng thịt 10 phút cho ngấm đều 2 mặt rồi cất tủ lạnh, ướp khoảng 12 tiếng. Gia vị tự điều chỉnh theo khẩu vị của bản thân.

– Sau đó, cho thịt ra chảo, rim chín với lửa vừa và nhỏ. Rim cho đến khi thịt mềm, nước sốt keo lại là xong. Nếu thịt chưa mềm, bạn có thể thêm xíu nước rồi rim tiếp.

– Thịt xá xíu chín, cho ra thái miếng nhỏ vừa ăn. Bày thịt ra đĩa.

Bước 2: Làm nước sốt ăn kèm

Phi thơm tỏi sau đó cho một ít thịt xay vào đảo đều, nêm: 3 muỗng dầu hào + 4 muỗng xì dầu + 2 muỗng đường + 2 muỗng giấm nấu cho sôi sền sệt lại là được.

Bước 3: Nấu xôi

Gạo nếp ngon đem ngâm từ 6-8 tiếng rồi đãi sạch. Cho vào nồi đồ chín. Bạn có thể đồ 2 lần xôi càng dẻo ngon. Tức là đồ lần một xôi chín, tắt bếp, để xôi nghỉ khoảng 30 phút rồi đồ tiếp lần nữa là được.

Thưởng thức:

Khi ăn, cho xôi ra bát, xếp thịt xá xíu lên, rưới nước sốt ăn kèm. Bạn có thể cho thêm các loại topping ăn kèm khác mà bạn thích như giò tai, ruốc, hành phi, rau thơm, lạp xưởng… tùy ý.

Cuối tuần làm 5 món này chẳng cần nấu thêm nhiều thứ cả nhà vẫn mê mẩn ăn - 3

4. BÚN CHẢ

– Thịt ba chỉ phần nào liền thái miếng cho đẹp, phần còn lại xay nhỏ làm thịt viên. Lưu ý phần thịt viên này mọi người tự căn chỉnh sao để có cả nạc và mỡ thì mới không bị khô và cũng như không mỡ quá.

– 2 loại thịt để vào 2 bát khác nhau nhưng ướp thì như nhau: ướp cùng bột hành, bột tỏi, bột sả, dầu điều, nước tương, tiêu, dầu hào, hạt nêm, sữa đặc. Sau đó trộn đều và bọc kín. Cất ngăn mát 2-3 giờ hoặc 30 phút nếu các bác không có thời gian.

– Trong khi ướp thịt, đi rửa rau ăn kèm và chuẩn bị mắm.

– Cà rốt tỉa hoa sau đó thái mỏng và ướp với chút giấm và đường.

– Sau đó cho vào nồi các nguyên liệu theo tỉ lệ: 3 nước lọc: 1 mắm: 1/2 giấm: 1/2 đường vào nồi đun sôi và để nguội.

– Tỏi, ớt băm nhỏ.

– Nướng thịt miếng và thịt viên: Dùng nồi chiên không dầu nướng 180 độ 15 phút sau đó lật mặt và nướng thêm 6-10 phút nữa.

Xếp bún ra bát, cho thịt nướng và chả viên lên, rưới nước mắm chua ngọt, ăn kèm rau sống.

Cuối tuần làm 5 món này chẳng cần nấu thêm nhiều thứ cả nhà vẫn mê mẩn ăn - 4

5. CƠM RANG HẢI SẢN

Nguyên liệu: Tôm, mực, cà rốt, dưa chuột, hành, tỏi, trứng, hạt nemem muối vừa ăn, hành lá.

Cách làm:

– Tôm, mực làm sạch thái miếng.

– Cà rốt, dưa chuột thái hạt lựu.

– Phi thơm hành, tỏi băm. Cho hải sản vào xào trước và cho rau củ vào xào luôn, nêm chút mắm rồi xúc ra để riêng.

– Cơm đập 1 quả trứng và trộn đều.

– Rang cơm vàng giòn, cho hải sản và rau củ vào đảo chung, nêm thêm hạt nêm, muối vừa ăn.

– Rang đến khi cơm khô là được. Thêm hành lá và tắt bếp

Chúc các bạn thành công!

Chúc các bạn thành công!

- Advertisement -

Cùng chủ đề

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisement -

Bài viết mới nhất